Thứ Hai, 2 tháng 4, 2018

Những loại thực phẩm mẹ nên kiêng sau sinh



Kiêng cử sau sinh là một trong những vấn đề khiến các mẹ bầu quan tâm hàng đầu, theo quan niệm dân gian thì sau khi sinh con mẹ phải kiêng cử rất nhiều món như: nước đá, trái cây, rau sống,..tuy nhiên những quan niệm này hoàn toàn không có căn cứ khoa học. Thực chất sau khi sinh mẹ chỉ cần kiêng những loại thực phẩm không tốt cho trẻ vì trong giai đoạn này sữa mẹ là nguồn thực phẩm chính của trẻ. Bài viết sau đây sẽ gợi ý cho mẹ những món ăn mà mẹ nên kiêng cử trong quá trình cho con bú.


Nhu cầu dinh dưỡng của mẹ 





Những loại thực phẩm tốt cho mẹ đang cho con bú 



Năng lượng trong khẩu phần hàng ngày của bà mẹ cho con bú là 2.750 kcal, cao hơn phụ nữ có thai (2550 kcal). Vì vậy bà mẹ trong thời kỳ cho con bú cần ăn uống cân đối, đầy đủ năng lượng, đạm, sắt, canxi, I-ốt… Nên ăn nhiều thức ăn giàu chất đạm như gia cầm, trứng, cá thịt, các loại đậu… Chú ý các thực phẩm giàu canxi và các vi chất khác như magiê, kẽm cũng cần bổ sung đầy đủ. Việc cung cấp các thực phẩm giàu canxi giúp trẻ phát triển tối đa chiều cao, tốt cho phát triển xương và răng.

Bên cạnh đó, người mẹ không bị chứng hạ canxi huyết và phòng ngừa được chứng loãng xương sau này. Canxi có nhiều trong sữa, các chế phẩm từ sữa, bơ, đậu hũ, cá mòi, tôm, cua, trứng... Magiê có nhiều trong cải xoăn, cải lá xanh, khoai tây, bí đỏ, bơ, mận, xoài, dưa hấu… Kẽm có nhiều trong củ cải, cùi dừa già, đậu nành, thịt heo nạc, thịt bò, thịt gà ta, khoai lang, ổi… Sắt có nhiều trong thịt sẫm màu (thịt bò, thịt cừu, thịt heo…).

Những loại thực phẩm mẹ nên kiêng sau sinh 

Socola 


Khoa học đã chứng minh có mối liên hệ chặt chẽ giữa khẩu phần ăn của mẹ với mức tăng trưởng và sức khỏe của trẻ bú mẹ. Để bé được phát triển tối ưu và luôn khỏe mạnh thì các bà mẹ đang cho con bú nên hạn chế thức ăn nhiều chất béo và đường, vì chúng không chỉ khiến mẹ tăng cân nhiều mà còn dẫn đến nguy cơ béo phì, tiểu đường cho trẻ sau này. Theo đó, socola là một trong những loại thực phẩm mà mẹ nên tránh dùng vì trong sôcôla có chứa hàm lượng lớn caffein và đường. Cả hai chất này có thể làm rối loạn hệ tiêu hóa ở trẻ bú mẹ.


Măng 

Măng là loại thực phẩm chứa khá nhiều độc tố


Măng là loại thực phẩm chứa khá nhiều độc tố, đặc biệt là măng tươi nếu như không được chế biến đúng cách thì có thể gây ngộ độc thực phẩm ở người. Khi ăn phải măng có chứa nhiều cyanide, dưới tác động của các enzym đường tiêu hóa, cyanide ngay lập tức biến thành acid cyanhydric (HCN), là một chất cực độc với cơ thể và gây ngộ độc. Mặc dù độc tố HCN có thể dễ dàng hòa tan trong nước và bay hơi khi nước sôi, nhưng các bà mẹ đang cho con bú vẫn nên cẩn trọng. Không những độc hại, ăn nhiều măng cũng có thể làm giảm tiết sữa của cơ thể.


Các loại gia vị 

Các bà mẹ nên hạn chế ăn những loại gia vị cay nóng như ớt, tiêu, tỏi, vì một số trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với cay nóng. Mẹ cho con bú mà ăn cay có thể khiến hệ tiêu hóa của trẻ gặp vấn đề, trẻ có thể bị táo bón, đau bụng hoặc cáu gắt. Nếu vẫn muốn ăn cay, mẹ có thể thay thế bằng món gừng. Gừng là một trong những gia vị có tác dụng dịu bụng cho mẹ và cả bé. Hạn chế một vài loại gia vị nặng mùi như hành, tỏi, cà ri… có thể qua sữa gây mùi khó chịu, trẻ dễ bỏ bú.


Caffeine và cồn



Caffeine và cồn là những loại thực phẩm tuyệt đối nên tránh khi cho con bú 



Một số loại đồ uống như cà phê, trà, nước soda, nước tăng lực, nước có ga… có chứa nhiều caffein - chất gây kích thích hệ thần kinh làm tăng cường sự tỉnh táo, đồng thời kìm hãm sự hấp thụ chất sắt từ thực phẩm. Khi bà mẹ đang cho con bú uống lượng lớn đồ uống chứa caffein (3 - 4 ly cà phê hoặc 5 - 6 tách trà) mỗi ngày, thì caffein có thể ngấm vào sữa mẹ và truyền sang cho trẻ. Quá nhiều caffein trong cơ thể trẻ có thể khiến trẻ bị kích ứng, cáu kỉnh, quấy khóc và mất ngủ. Việc không có đủ giấc ngủ sâu sẽ cản trở sự phát triển trí não của trẻ ở độ tuổi thiếu niên.


Ngoài ra, một số bà mẹ áp dụng kinh nghiệm dân gian là uống bia để tăng sữa, nhưng thực chất việc uống những đồ uống có cồn (bia, rượu) không tốt cho cả mẹ lẫn con. Vì cồn sẽ đi vào máu làm ảnh hưởng đến chức năng các cơ quan nội tạng, thần kinh của người mẹ và người mẹ có nguy cơ mất sữa. Sau đó cồn từ máu của người mẹ ngấm vào sữa và truyền qua trẻ bú mẹ, từ đó ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ, khiến trẻ buồn ngủ, giấc ngủ sâu, suy nhược, tăng cân bất thường…


0 nhận xét:

Đăng nhận xét